phần mềm hỗ trợ | đổi tone online | cảm âm sáo | bẩn bựa hội |
Đã đăng vào 09/07/2013 trong chuyên mục Những câu chuyện cảm động về tình bạn
***
Cô nàng ấy là Hà, mới chuyển nhà về khu này được khoảng 3 tháng. Đấy, mới có 3 tháng mà tên Long đã như chết dẹp dưới chân nàng ta.
- Thật là nhục mặt nam nhi!
Mến bực bội quay quả đi ra cửa, xỏ dép lẹp bẹp về nhà.
Hà như các cô tiểu thư trong tiểu thuyết ấy. Da trắng bóc, tóc dài chấm lưng mà đen mượt bóng bẩy chứ chẳng hanh hanh màu nắng, da nâu bánh mật như Mến. Cứ tầm chiều, Hà sẽ ngồi bên khung cửa sổ to, lồng lộng gió và chơi đàn. Cây đàn to lắm, nhiều phím trắng đánh vào phát ra âm thanh nghe thật đắt tiền.
Ừ thì Hà đẹp, giàu, biết đàn hát. Hà học ở trường điểm chứ chẳng phải ngôi trường hạng xoàng mà Mến, Long và tất thảy bạn bè trạc lứa sống cùng khu đang theo học. Hà đi học có xe hơi đưa đón, chứ chẳng đạp xe cọc cạch như (tụi) nó. Ừ! Thì sao? Chẳng lẽ vì vậy được gọi là “thiên thần” rồi à? Nhảm nhí!
- Tui đã thấy Hà đi đến trường nuôi dạy trẻ khuyết tật để tặng nhiều bánh kẹo cho mấy đứa nhỏ, còn tặng cả bút vở nữa. Người giàu mà không chảnh chọe, tốt bụng nhân ái thế kia, chẳng thiên thần là gì?
Mến tròn mắt. Hết lý để cãi với Long.
Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật với Long chẳng khác gì ngôi nhà thứ hai. Em trai của Long, từ khi chào đời đã không may bị nhiễm chất độc màu da cam. Nói đúng hơn, là em trai cùng mẹ khác cha của nó. Bố ruột Long là ai, Long cũng không biết và chắc chẳng ai được quyền biết ngoài mẹ Long. Dượng Long bây giờ, là người đã đứng ra nhận làm cha của cái thai trong bụng mẹ – tức Long — cứu vớt danh dự cho mẹ nó.
Long sáng trước khi đến trường thì chở em đi học. Trưa, nó xách cơm sang trường em dù phải đạp xe dưới nắng, đi đi — về về gần cả tiếng chỉ để em không phải ăn trưa một mình. Kết thúc giờ học chiều, Long lại tất tả đạp xe đi đón em.
- Tui còn sống, rồi lớn được tới ngần này cũng nhờ bố mà. Tui may mắn khỏe mạnh, không lãnh phần chăm lo cho thằng Tí thì coi sao đành.
***
- Chị Mến buồn. – Thằng Tí ngô nghê lết ra chỗ Mến đang ngồi.
Mến ngồi ở bậc cửa đợi Long hơn một tiếng rồi, mọi hôm Long hẹn giờ nào là đúng giờ ấy mà. Hôm nay hẹn với Mến cùng đi thuê tiểu thuyết, thuê truyện tranh cho cả Tí nữa, sao hắn lại mất tăm thế này?
Mến ôm nhóc Tí vào lòng, hôn lên tóc nó:
- Anh hai Tí xấu lắm, cho chị Mến leo cây rồi.
- Anh Long đi coi thiên thần thi hát trên nhà văn hóa, cho chị Mến leo cây rồi.
Tí nói vang vang. Mắt Mến từ bừng bừng ngạc nhiên rồi chợt ầng ậc nước, nó bế thằng Tí ra khỏi lòng, bước đi như bỏ chạy:
- Chị về! Khỏi nói anh hai chị có ghé nhen.
Hà “thiên thần” được cả xóm khen là con nhà giàu mà chẳng đua đòi, rất ngoan ngoãn, thục nữ. Hà đi đâu cũng ngọt lạt chào hỏi, lại dạ thưa cô chú đàng hoàng, lễ phép. Đã thế, Hà còn từ tâm, hay đi mái ấm nhà mở trao quà, hô hào hát hò ca múa trên nhà văn hóa quyên tiền làm từ thiện.
Ai là thiên thần?
Mến nghe hết, lặng lẽ thở dài. Thở dài chẳng phải vì ganh tị hay ghét bỏ gì Hà. Mến thở dài chỉ vì Long ngồi nghe kể chuyện “thiên thần” mà đắm đuối hâm mộ như được rót mật vào tai.
- Tui thích Hà rồi. Thích như trong mấy cái truyện sến sến Mến hay đọc á.
Long hẹn Mến ra bờ sông tám chuyện làm con nhỏ mừng húm vì lâu rồi không gặp, tưởng Long biết Mến giận vụ cho nhỏ leo cây nên ra xin lỗi. Vậy mà, ngay câu đầu tiên, Long đã làm Mến tức muốn đạp hắn xuống sông cho rồi.
- Thích…thì đi mà nói với nó. – Mến gằn giọng
- Người ta tốt vậy, đẹp nữa, lại con nhà giàu, hoàn hảo như thiên thần, như tiên nữ vậy. Sao tui xứng chứ…
Long nói lí nhí buồn buồn. Mến đứng phắt dậy, ào ào nước mắt, mắng sa sả:
- Có nói chuyện, có học cùng, có chơi cùng với người ta ngày nào chưa mà biết tốt biết ngoan? Nhìn xa xôi qua có cái khung cửa sổ mà tung lên tới mây xanh….
Long đi mà coi thiên thần gì đó thi hát thi múa, mai mốt khỏi hẹn gặp tui nữa. Tui chán làm thằn lằn leo cây lắm rồi.
Rồi Mến vùng chạy đi. Long ngó theo chẳng hiểu đầu đuôi cớ sự gì cho cái tức tối của Mến. Đầu nó chỉ nghĩ ra duy nhất một lý do chính đáng.
- Hai buồn giống chị Mến — Thằng Tí dụi đầu vào ngực Long, thủ thỉ
- Chị Mến sao càng ngày càng xấu tính, giờ còn ganh tị ra mặt với Hà.
- Sao hai thích chị Hà ?
Long ôm cái đầu to, quàng cái tay, cái chân khẳng khiu hệt que cây của Tí choàng lên người mình, xoa nhẹ lưng Tí như cách thằng bé vẫn thích:
- Tại Hà không có sợ Tí…
Rồi Long khựng lại, chợt thấy cái câu này làm lương tâm nó trở chứng bồn chồn, kì cục lắm!
Con gái khu này, đâu phải chỉ mình Hà là không sợ Tí.
Long trân trối đứng nhìn cái cảnh tượng vừa xảy ra trước mắt mình. Thằng Tí ngồi khóc oa oa dưới đất, nước mắt nước mũi kèm nhèm. Bên cạnh, là Hà —thiên thần của Long— đang dùng cái ánh mắt sợ sệt nhìn Tí. Hà đứng áp sát vào mặt tường, hai tay khoanh lại nắm lấy nhau như bảo vệ tấm thân ngà ngọc trước điều gì đó nhơ nhớp, nguy hiểm và như bệnh truyền nhiễm đang hoành hành trong cái phòng này, trong cái trường dạy trẻ khuyết tật này vậy.
- Mấy cô ẵm thằng nhỏ đi đi, sao nó kì quá ở đâu nhào ra ôm cứng ngắc tiểu thư, làm cổ sợ hết hồn thấy chưa?
Người đàn ông cao ráo gằn giọng uy quyền trong vai quản lý. Xong, ông ta ngoái nhìn tốp người đứng gần cửa ra vào, đổi thái độ, xởi lởi rất tuồng:
- Mấy cảnh quay hư này thiệt làm phí thời gian đoàn phim quá. Nào! Chúng ta dựng làm lại thôi…
Tầm tháng sau, tivi phát sóng chương trình Người tốt việc tốt: “Tiểu thư Trần Hà con gái tổng giám đốc X xinh đẹp, hiền thục, lại có tấm lòng nhân ái đáng quý….”
Cả xóm ai cũng ồ ồ lên mà khen Hà. Có người còn nói với Long, sao Long không đẩy thằng Tí ra để Hà ôm ấp, tặng quà đặng lên tivi cho oai. Long cười méo xệch, dắt Tí đi nhanh về nhà.
- Chị Mến đem canh chua cá bông lau để sau bếp một tô.
Tí nói, trong khi bàn tay đang đánh vật với cây viết chì và cuốn tập trắng.
Long ra sau bếp, giở cái vung inox nhìn tô canh chua ngon lành có miếng tỏi phi đúng điệu bên trên mà nghe cái vị ngọt ngào túa ra đầy khắp lòng dạ.
- Tí! Muốn đọc truyện gì, mai anh với chị Mến đi thuê?