Bài 36: setTimeout() và setInterval() trong Javascript
Trong bài này chúng ta tìm hiểu hai hàm thường dùng để xử lý thời gian đó là setTimeout() và setInterval(), hai hàm này có chung một đặc điểm là thiết lập và thực hiện một nhiệm vụ nào đó trong một khoảng thời gian nào đó, số lần thực hiện có thể được lặp đi lặp lại hoặc không. Tuy vậy giữa hai hàm cũng có sự khác nhau về số lần lặp và chi tiết thế nào thì các bạn xem các phần dưới đây.
1. Hàm setTimeout() trong Javascript
Hàm setTimeout() dùng để thiết lập một khoảng thời gian nào đó sẽ thực hiện một nhiệm vụ nào đó và nó chỉ thực hiện đúng một lần.
Cú pháp: setTimeout(function, time)
Trong đó:
- function: là nội dung cần thực hiện, đây là một hàm
- time: là khoảng thời gian bao nhiêu (tính bằng mili giây) thì function đó sẽ thực hiện
setTimeout(function(){ alert("Chào mừng bạn đến với freetuts.net"); }, 3000);
Trong ví dụ này mình đã truyền tham số thứ nhất là một function và tham số thứ hai là số giây mà function sẽ được thực hiện. Ngoài ra bạn có thể viết lại như sau cho dễ nhìn:
var do_alert = function(){ alert("Chào mừng bạn đến với freetuts.net"); }; setTimeout(do_alert, 3000);
Hàm clearTimeout() trong Javascript
Giả sử bạn xây dựng chức năng sau 3 giây thì sẽ xuất hiện thông báo, tuy nhiên sau 2 giây chương trình muốn hủy bỏ thì phải làm thế nào? Lúc này bạn phải sử dụng hàm clearTimeout().
Tham số truyền vào hàm clearTimeout() là đối tượng setTimeout() nên lúc này ban phải đặt hàm setTimeout() vào một biến cụ thể.
// hành động var action = setTimeout(function(){ // something }, 3000); // hủy hành động clearTimeout(action);
Ví dụ: XEM DEMO
<script language="javascript"> var do_alert = setTimeout(function(){ alert("Chào mừng bạn đến với freetuts.net"); }, 3000); function clearAlert() { clearTimeout(do_alert); } </script> <input type="button" onclick="clearAlert()" value="Clear" />
2. Hàm setInterval() trong Javascript
Hàm setInterval() có cú pháp và chức năng giống như hàm setTimeout(), tuy nhiên với hàm setInterval() thì số lần thực hiện lã mãi mãi.
Ví dụ: Cứ sau 3 giây thì xuất hiện câu chào một lần
setInterval(function(){ alert("Chào mừng bạn đến với freetuts.net"); }, 3000);
Trong ví dụ này cứ sau ba giây thì sẽ xuất hiện câu chào và số lần thực hiện sẽ là vĩnh viễn, không tin bạn cứ chạy trang web lên và để vậy.
hàm clearInterval() trong Javascript
Tương tự như hàm clearTimeout(), hàm clearInterval() sẽ xóa đi nhiệm vụ mà ta đã thiết lập trong hàm setInterval(), và ta cũng phải đặt setInterval() trong một biến thì mới clear được.
Ví dụ: Sử dụng hàm setInterval() để xuất câu chào lên màn hình và số lần xuất hiện chỉ 1 lần duy nhất
var interval_obj = setInterval(function(){ alert("Chào mừng bạn đến với freetuts.net"); clearInterval(interval_obj); }, 3000);
Trong ví dụ này nội dung thực hiện là xuất hiện câu chào và ngay lập tức xóa nhiệm vụ của interval luôn nên nó chỉ thực hiện 1 lần.
3. Lời kết
Như vậy sự khác nhau giữa hàm setTimeout() và setInterval() là đối với hàm setTimeout() thì số lần thực hiện là 1 lần và đối với setInterval() thì số lần thực hiện sẽ là mãi mãi cho tới khi bạn sử dụng hàm clearInterval() để can thiệp vào. Việc sử dụng hàm nào thì phụ thuộc vào nhu cầu của bạn và hãy lưu ý điểm khác nhau này để làm cho đúng.
Bài này mình sẽ dừng ở đây, hy vọng qua các ví dụ bạn sẽ hiểu được cách sử dụng hàm setTimeout() và setInterval() trong Javascript, chúc bạn học tốt.